Doanh nhân Guy Kawasaki
Những Bài Học Đắt Giá Từ Cựu Nhân Viên Apple
Thông thường thử thách kinh khủng nhất sẽ đem đến thành tựu to lớn nhất, đối mặt và vượt qua chúng bạn sẽ bất ngờ về khả năng của mình. Và trong chủ đề hôm nay, LinkQ xin chia sẻ đến bạn một nhân vật được cho là mình chứng cho điều trên, ông là cựu giám đốc sáng tạo của Apple, chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm sống và làm việc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ lược về cuộc đời cũng như những bài học thú vị từ ông Guy Kawasaki.
Guy Kawasaki sinh năm 1954 tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, là một chuyên gia marketing, tác giả và một nhà đầu tư mạo hiểm của thung lũng Silicon. Ông có bằng cử nhân của đại học Stanford và bằng MBA từ UCLA.
Ông là một trong những nhân viên của Apple chịu trách nhiệm tiếp thị dòng máy tính Macintosh của họ vào năm 1984. Vào tháng Ba năm 2015, Kawasaki đã gia nhập Tổ chức Hội đồng Wikimedia, điều hành tổ chức phi lợi nhuận của Wikipedia
- Không ngừng thử thách bản thân: Sai lầm là khi bạn chỉ biết chấp nhận mọi thứ và sợ mạo hiểm. Trái lại, hãy bất chấp những lo ngại, thất bại có thể xảy ra khi quyết định làm một việc gì và mạnh dạn nắm lấy cơ hội để học hỏi những gì bản thân muốn khám phá. Điều tuyệt vời thường xảy đến với những ai luôn sẵn sàng đương đầu với rủi ro.
- Luôn ngắn gọn và tập trung: Không như trường học, môi trường công sở là nơi của sự ngắn gọn và tập trung. Hãy thử tưởng tượng với hàng chục email, báo cáo hay bài thuyết trình gửi đến hộp thư mỗi ngày, chắc chắn không ai muốn đọc một nội dung dài hàng ngàn chữ như những bài luận thời sinh viên. Vì vậy, hãy học cách trình bày vấn đề một cách ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác.
- Học cách kể chuyện để minh họa: Những người dễ mê hoặc người khác thường là những người biết kể chuyện và sử dụng ví dụ (hình ảnh) để minh họa. Bằng cách này, họ có thể tạo sức ảnh hưởng và thuyết phục người nghe dễ dàng hơn. Khi viết email, thuyết trình, hay nói điện thoại, họ có thể tạo một bức tranh sống động trong tâm trí người nghe, người nhận để người đối diện dễ hình dung và hiểu được vấn đề.
- Trân trọng công việc đầu tiên của mình: Trong suốt sự nghiệp của mình, có thể bạn sẽ trải qua 5 đến 10 công việc khác nhau trong 2 đến 3 lĩnh vực ngành nghề. Công việc đầu tiên sẽ không phải là công việc cuối cùng. Vì vậy đừng tiếc nuối nếu bạn lựa chọn công việc đầu tiên không đúng với sự nghiệp mà bạn theo đuổi. Sai lầm duy nhất là khi bạn chấp nhận làm một công việc mà bạn không thể học hỏi được điều gì. Tuy nhiên, bất kỳ công việc nào cũng có thể giúp bạn học hỏi, phát triển một kỹ năng nào đó. Vì vậy, nếu bạn trách rằng bạn không thể học được điều gì, điều này hoàn toàn thuộc về lỗi của bản thân. Hãy làm việc chăm chỉ và đừng bao giờ suy nghĩ đến việc tìm được việc làm hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên.
- Sống cho hiện tại, làm việc cho tương lai: Một khi đã bước chân vào môi trường làm việc, sẽ chẳng có ai quan tâm bạn học trường gì, điểm tốt nghiệp bao nhiêu hay bạn đã từng tham gia đội bóng đá của trường,…Tất cả những gì mọi người mong muốn thấy ở bạn là hiệu quả làm việc tốt như thế nào.
Vì vậy, hãy chăm chỉ làm việc và làm sếp hãnh diện.
- Hãy làm sếp hãnh diện: Suy nghĩ cho rằng luôn có quan điểm khác với sếp để thể hiện mình là người có năng lực là hoàn toàn sai lầm. Điều này chỉ khiến bạn trông có vẻ thiếu trung thành và ngớ ngẩn trước những người còn lại. Hãy làm sếp hãnh diện vì kết quả công việc và con đường thăng tiến của bạn sẽ rộng mở.
- Học, học nữa, học mãi: Học là một quá trình, không phải là điểm đến. Sẽ không ai có thể hiểu biết hết tất cả mọi thứ trên đời. Vì vậy trau dồi tri thức là điều rất cần thiết và quan trọng cho sự nghiệp của bạn. Thực vậy, khi ra khỏi ghế giảng đường, khi đã đi làm, bạn sẽ hiểu rõ mình cần bổ sung những kiến thức gì để phát triển sự nghiệp. Đây mới chính là lúc sự học bắt đầu.
- Không có gì là tuyệt đối: Khi còn nhỏ, chúng ta luôn cho rằng gian dối hay lấy cắp là hoàn toàn sai trai. Tuy nhiên, khi đi làm và đối mặt với xã hội nhiều hơn, bạn sẽ suy nghĩ mọi thứ một cách tương đối hơn. Vì khi trưởng thành, bạn hiểu rằng có những vấn đề, sự việc, tình huống không thể phân biệt ranh giới rõ ràng giữa đúng và sai.
- Hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè: Tiền bạc, quyền lực hay danh vọng, không có gì có thể thay thế tình cảm gia đình và bạn bè và cũng không mang lại cho bạn tình thương thật sự một khi bạn đã đánh mất. Đừng thờ ơ và xem sự hiện diện của người thân là điều hiển nhiên vì bạn chẳng thể biết được điều gì xảy đến trong tương lai.
Nguồn: Tổng hợp