Quản trị tri thức, bình chứa tinh hoa doanh nghiệp của bạn

Tri thức là tài sản quý nhất, ở cấp độ doanh nghiệp, tri thức thể hiện qua sản phẩm, thiết kế, nhãn hiệu, dữ liệu, bằng phát minh, sở hữu trí tuệ

Trong doanh nghiệp của chúng ta luôn có 3 dạng nhân sự được xếp vào các nhóm như sau:

 

Nhóm Lá:  

 

Những người này chỉ ở với chúng ta theo mùa và bạn không thể phụ thuộc vào họ hoặc tin cậy họ được bởi vì họ yếu ớt, chỉ có thể làm cho bạn mát mẻ một cách tạm thời. Họ như những chiếc lá, họ ở với bạn và lấy những gì họ cần, giống như chiếc lá hút chất dinh dưỡng của cây để sống sót trên cành. Và ngay khi bạn gặp hoàn cảnh không thuận lợi như là trởi trở lạnh hơn, gió thổi mạnh hơn vào thời điểm nào đó trong đời bạn thì họ sẽ rời khỏi bạn.

 

Nhưng mà bạn không thể giận họ vì họ là như thế, họ là những chiếc lá.

 

Nhóm Cành: 

 

Cũng có một số người đến với doanh nghiệp như là những nhánh cây. Tất nhiên họ mạnh mẽ hơn người lá nhưng bạn vẫn phải cẩn thận với họ. Họ có thể ở cạnh bạn trong nhiều mùa, nhiều cảnh, nhiều phen nhưng khi bạn phải đối mặt với một số cơn bão cần phải vượt qua thì bạn có thể mất họ. Nhất là khi hoàn cảnh khắc nghiệt hơn thì họ hoàn toàn có thể bị bẽ gãy. Mặc dù họ mạnh mẽ hơn lá, bạn vẫn phải thử nghiệm họ trước khi bạn có thể tin cậy và trao cho họ một số gánh nặng về trách nhiệm.

 

Và trong hầu hết trường hợp thì họ không thể mang nhiều gánh nặng vì sự giới hạn của nhánh cây. Nó có thể bị giòn, bị gãy, trước sức nặng của gánh nặng. Nhưng một lần nữa bạn lại không thể nổi điên lên với họ bởi vì họ là như thế, họ là những nhánh cây.

 

 

Nhóm Rễ: 

 

Nếu như doanh nghiệp thực sự có thể tìm ra ai đó giống như là rễ cây thì bạn đã tìm ra một người đặc biệt, như là rễ của cây, rất khó để tìm thấy bởi vì họ không cố gắng tỏ ra cho mọi người thấy. Sứ mệnh của họ là giữ cho doanh nghiệp đứng vững, giúp doanh nghiệp sống một đời sống mạnh mẽ và lành mạnh. Nếu bạn vui mừng, họ hạnh phúc. Nếu bạn đau khổ, họ chia sẻ. Họ đứng đằng sau và không để thế giới biết họ đứng đằng sau bạn. Và nếu bạn phải trải qua những cơn bão trong cuộc đời, họ sẽ ở đó để giữ cho bạn thẳng đứng. Sứ mệnh của họ là giữ cho bạn vững vàng, mạnh mẽ, nuôi dưỡng bạn, cho bạn nước khi bạn khát…

 

Và cái rễ đôi lúc bỏ mặc bạn với những sóng gió khi lá đã rơi và nhánh đã gãy, bạn trông héo úa, cô độc, đơn côi trước phong ba bão táp. Nhưng cái rễ vẫn âm thầm bơm nhựa để giữ cho bạn sống. Trong đời sống của chúng ta cho nhiều nhánh, nhiều lá nhưng chỉ có 1 rễ.

 

Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, điều đáng sợ nhất với chúng ta là gì?

 

Đúng vậy, đó là khi những người Rễ rời bỏ chúng ta vì một lý do nào đó. Nhóm nhân sự Rễ thường nắm giữ những vị trí rất quan trọng trong bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, thiếu họ, doanh nghiệp của chúng ta vô cùng chật vật và lúng túng, ít nhất là trong thời gian đầu. Bởi những kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ cũng ra đi theo những nhân sự Rễ đó.

 

 

Nhân sự cấp cao ra đi, mang theo tất cả tri thức của họ, thậm chí là cả nhân viên của doanh nghiệp cũng đi theo. Đây là điều không tránh được, chúng ta cần có giải pháp cho vấn đề này.

 

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong vấn đề "chảy máu chất xám" tại doanh nghiệp. Còn rất nhiều các yếu tố khác đã đặt ra bài toán cấp thiết về gìn giữ những giá trị tri thức trong doanh nghiệp. 

 

Điển hình như với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức từ cuối thế kỷ thứ 20 đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp và các nhà quản trị. Các công ty chịu sức ép phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường. Các nhà quản trị phải suy nghĩ cách thức quản lý mới bởi quản lý bằng mệnh lệnh và sự kiểm soát chặt chẽ người lao động trong quy trình sản xuất đã không phù hợp trong môi trường sáng tạo năng động. Khi tri thức trở nên quan trọng hơn vốn, lao động và tài nguyên trong việc cấu thành giá trị kinh tế, người ta nghĩ tới đối tượng trọng tâm mới của hoạt động quản trị, đó là tri thức.

 

Tri thức là tài sản quý nhất:

 

Tri thức nói chung là kỹ năng, sự hiểu biết mà một cá nhân có được thông qua giáo dục và trải nghiệm. Tri thức xuất phát từ cá nhân, nhưng cũng tồn tại ở cấp độ nhóm, cấp độ doanh nghiệp, tổ chức và cấp độ liên tổ chức.

 

Ở cấp độ doanh nghiệp, tri thức thể hiện qua sản phẩm, thiết kế, nhãn hiệu, dữ liệu, bằng phát minh, sở hữu trí tuệ...; còn tri thức tồn tại ở dạng ẩn thì bao gồm bí quyết công nghệ, kinh nghiệm làm việc, văn hóa doanh nghiệp...

 

Đáng lưu ý là những quy luật chi phối tri thức khác hẳn những quy luật chi phối thế giới vật chất. Chẳng hạn, cùng một cái máy, khi một người đang sử dụng thì những người khác không sử dụng được, chất lượng máy coi như bị hao mòn và giảm giá trị sau khi chuyển giao cho người khác. Nhưng với tri thức, ai cũng có thể đồng thời sử dụng và sử dụng càng nhiều thì càng tăng giá trị.

 

Không như các nguồn lực có giới hạn như đất đai và vốn, tài sản tri thức và trí tuệ là nguồn tài nguyên vô hạn, có thể sinh ra nhiều lợi nhuận qua hệ thống sử dụng và ứng dụng chúng. Trên thực tế, nhiều công ty đã đạt siêu lợi nhuận bằng cách sáng tạo, duy trì các bí quyết về vật liệu, sản phẩm và quy trình sản xuất, kinh doanh.

 

1. Khái niệm Quản trị tri thức


Khái niệm "quản trị tri thức" (Knowledge Management) ngày nay đã trở thành cụm từ phổ biến trên thế giới, được coi là phương thức quản trị tiên tiến giúp doanh nghiệp không ngừng tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh.

 

Có nhiều cách hiểu về quản trị tri thức, dưới đây là một số định nghĩa đã được đưa ra:

 

. Quản trị tri thức là tạo ra tri thức, và việc này được nối tiếp với việc thể hiện kiến thức, truyền bá và sử dụng kiến thức, và sự duy trì (lưu giữ, bảo tồn) và cải biên kiến thức.

 

. Quản trị tri thức là quá trình của việc quản lý một cách cẩn trọng tri thức để đáp ứng các nhu cầu hiện hữu, để nhận ra và khai thác những tài sản tri thức hiện có và có thể đạt được và để phát triển những cơ hội mới.

 

. Quản trị tri thức là hoạt động mà hoạt động này quan tâm tới chiến lược và chiến thuật để quản lý những tài sản mà trọng tâm là con người (human center assets).

 

. Quản trị tri thức là quá trình hệ thống của việc nhận dạng, thu nhận và chuyển tải những thông tin và tri thức mà con người có thể sử dụng để sáng tạo, cạnh tranh và hoàn thiện.

 

 

Quản trị tri thức là quá trình nhận dạng tri thức, tạo ra tri thức, quản lý tri thức một cách cẩn trọng bằng những chiến lược và chiến thuật phù hợp với trọng tâm là con người.

 

Các định nghĩa về quản trị tri thức thể hiện nổi bật các đặc tính sau:

 

. Quản trị tri thức là một lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với lý luận và thực tiễn, và là một lĩnh vực mang tính đa ngành đa lĩnh vực.

 

. Quản trị tri thức không phải là công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin chỉ là yếu tố hỗ trợ, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản trị tri thức.

 

. Quản trị tri thức lấy yêu tố con người làm trọng tâm.

 

 

2. Lợi ích của quản trị tri thức


Đối với quản trị nhân sự

 

Từ khía cạnh nhân sự, những nhu cầu về việc tăng việc trao đổi, chia sẻ và sáng tạo trong các nhóm hoạt động gồm nhiều lĩnh vực khác nhau là một trong những lý do chính dẫn tới việc xây dựng quản trị tri thức. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng khả năng xử lý của nhân viên trong các tình huống phức tạp và lưu giữ những tri thức khi các nhóm làm việc tan rã hay tái lập cũng khiến việc xây dựng hệ thống QTTT trở nên cần thiết.

 

Thứ nhất, nhu cầu về việc đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ và sáng tạo trong các nhóm hoạt động ngày càng lớn hơn. Lý do là vì các công ty đang có xu hướng kết hợp với nhau để tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, nhân viên trong các công ty khác nhau thường xuyên phải làm việc với nhau. Hơn nữa, để phát triển một sản phẩm đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau (thiết kế, kĩ thuật, marketing, v.v.). Nói cách khác, thành viên của một nhóm làm việc phải từ các bộ phận khác nhau, mà họ thường chỉ biết rõ về lĩnh vực chuyên môn của mình mà thiếu những hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực khác. Sự khác biệt về văn hóa cũng có thể gây khó khăn trong quá trình làm việc nhóm. Vì vậy, việc tăng khả năng và hiệu quả làm việc nhóm, mà điển hình là việc chia sẻ và trao đổi, của các thành viên trong nhóm là vô cùng cần thiết. Quản trị tri thức có thể trở thành lời giải tối ưu cho bài toán này, bởi vì nó thúc đẩy thảo luận và chia sẻ tri thức trong nhóm và tổ chức.

 

Lý do thứ hai là về việc các nhóm làm việc được thành lập và giải tán. Hiện nay, các nhóm làm việc thường được thành lập để giải quyết những vấn đề, những dự án trong thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các nhóm này thường được giải tán, thành viên trở về với công việc thường ngày hoặc tham gia các nhóm làm việc khác, nơi mà khả năng chuyên môn của họ có giá trị hơn là tri thức thu được ở các lĩnh vực khác trong dự án. Điều quan trọng là, những tri thức đó lại không được lưu trữ lại, trở thành "tài sản cá nhân" của nhân viên. Khi nhân viên đó ra đi, tri thức của công ty cũng mất đi theo. Quản trị tri thức có thể giúp công ty giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, bởi vì trong đó có quá trình "nắm bắt" các tri thức ẩn – qua các quá trình trao đổi trực tiếp và việc lưu trữ tri thức ẩn dưới dạng hiện.

 

 

Ngoài ra, trong thời đại kinh tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay, đòi hỏi về kĩ năng và khả năng ra quyết định của nhân viên ngày càng cao hơn. Ngày nay, thời gian chính là yếu tố cạnh tranh quyết định giữa mọi công ty. Bạn có thể phải đối mặt với những thay đổi, những sáng tạo bất ngờ từ phía đối thủ, sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường không ổn định. Công ty của bạn rất có thể sẽ không bắt kịp được những bước tiến của môi trường bên ngoài. Vì vậy, việc phản ứng và ra quyết định trước một tình huống của nhân viên cần phải không những chính xác mà còn phải càng nhanh càng tốt. Điều này đòi hỏi trình độ tri thức của nhân viên phải cao hơn và thông tin phải được cung cấp nhanh chóng, chính xác hơn. Nếu quản trị tri thức tốt, bạn hoàn toàn có thể giải quyết được những vấn đề này.

 

Đối với giá trị kinh tế

 

Lý thuyết kinh tế cũ cho rằng mọi tài sản đều dễ bị giảm giá trị khi thu hồi, nhưng điều này không đúng với tri thức. Những quy luật chi phối tri thức thì khác hẳn những quy luật chi phối thế giới vật chất. Ví dụ:

 

Cùng một cái máy tính, khi người A đang sử dụng, những người khác không sử dụng được nữa. Sau khi người A sử dụng và chuyển giao cho người khác, chất lượng máy tính coi như bị hao mòn và giảm giá trị.

 

Nhưng với tri thức, khi một người đang dùng, những người khác cũng có thể sử dụng được. Và tri thức càng sử dụng nhiều thì càng tăng giá trị. Các nhà kinh tế học gọi đó là quy luật tăng lợi nhuận: càng sử dụng, càng cung cấp nhiều giá trị - từ đó tạo ra một chu trình tự tăng cường. Tri thức là biến số duy nhất lý giải nguyên nhân có một khoảng cách ngày càng lớn giữa giá trị thị trường và cơ sở tài sản của một công ty thành đạt. Không như các tài nguyên có giới hạn như đất, vốn, và nhân công, tài sản tri thức và trí tuệ là những nguồn tài khuyên không giới hạn có thể sinh ra nhiều lợi nhuận qua hệ thống sử dụng và ứng dụng chúng. Tri thức rộng giúp bạn có cái nhìn đa chiều về cùng một hiện tượng, một biến đổi bất thường trên thị trường. Từ đó vừa có khả năng chống đỡ, vừa có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Muốn có được điều này, các doanh nghiệp bắt buộc phải không ngừng sáng tạo, sáng tạo không ngừng nghỉ để bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Cứ như thế tri thức ngày càng gia tăng.

 

 

Quản trị tri thức mang đến cơ hội duy nhất biến tri thức thành hệ thống giúp công ty của bạn tạo ra lợi thế về thời gian giữ cho sự cạnh tranh được liên tục, tạo ra giá trị kinh tế và giá trị thị trường không thể chối cãi được.

 

Đối với sự đổi mới công nghệ

 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn công việc. Hiện nay chúng ta có thể thu thập và lưu trữ một khối lượng lớn thông tin dễ dàng, truyền tải chúng một cách nhanh chóng. Các công việc được hoàn thành dựa vào công nghệ, đặc biệt là máy tính, ngày càng nhiều. Sự quan trọng của công nghệ là không thể phủ nhận. Nhưng, công nghệ không tạo ra yếu tố cạnh tranh cho công ty của bạn. Bạn vừa sở hữu một công nghệ hoàn toàn mới, giúp công ty bạn vượt lên trên đối thủ của mình. Nhưng, thời gian sau đó, khi mà đối thủ tạo ra công cụ tương tự, hoặc cũng mua công nghệ đó, thì yếu tố cạnh tranh của bạn sẽ bị mất đi. Trong thời đại công nghệ hiện nay thời gian cho một cuộc chạy đua công nghệ như vậy ngày càng ngắn dần, do vậy, chúng ta không thể coi công nghệ như yếu tố cạnh tranh lâu dài.

 

Trong khi đó, công nghệ với hai lợi ích chính là lưu trữ và truyền tải thông tin lại cho phép ta xây dựng một hệ thống lưu trữ và phân phối thông tin hiệu quả. Công nghệ trở thành một nhân tố giúp lưu trữ, phân phối và trao đổi tri thức hữu hiệu. Bằng cách kết hợp công nghệ với quản trị tri thức một cách hiệu quả, công ty có thể tạo ra các yếu tố cạnh tranh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình.

 

Bên cạnh đó, nhờ có công nghệ phát triển mà các công việc, các quy trình được hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vòng đời của sản phẩm, từ lúc được nghiên cứu, sản xuất, tới khi bán ra và các dịch vụ hậu mãi cũng do đó ngắn lại. Các sản phẩm cũng liên tục được nâng cấp và cải tiến, thị trường liên tục thay đổi. Do vậy, thời gian cho ra sản phẩm trở thành một yếu tố sống còn đối với công ty, các quyết định ngày càng phải được đưa ra nhanh chóng và chính xác hơn. Vậy yếu tố nào khiến cho công ty làm được điều này? Công nghệ có thể giúp chúng ta thu thập, lưu trữ, truyền tải thông tin một cách vô cùng hiệu quả, nhưng để biến thông tin thành tri thức, thành quyết định, thì lại cần đến con người và kiến thức, kinh nghiệm của họ.

 

Tri thức chứ không phải công nghệ trực tiếp giúp nhân viên sở hữu nó ra quyết định. Quản trị tri thức, với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể giúp cho nhân viên của công ty làm việc hiệu quả hơn, tự mình đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, giảm bớt sai lầm và thoả mãn yêu cầu của khách hàng đúng lúc nhất, v.v.

 

 

Đối với cơ cấu tổ chức

 

Cũng giống như công nghệ, cơ cấu tổ chức ngày nay thay đổi quá nhanh. Chính những thay đổi về cơ cấu tổ chức này đã đặt chúng ta vào tình thế không thể không có một hệ thống quản trị tri thức hữu hiệu.

 

Hãy thử tưởng tượng rằng, bạn đang phụ trách một dự án lớn và đột nhiên gặp phải một vấn đề nan giải. Sau một thời gian tìm kiểm giải pháp, một thành viên trong đội nhớ ra rằng trong một dự án trước kia, vấn đề tương tự cũng đã nảy sinh và được giải quyết khá hiệu quả. Bạn lục tìm chồng hồ sơ cao chất ngất cố gắng tìm ra một quy trình nào đó hay ít nhất là một gợi ý nhưng tất cả những gì mà bạn phát hiện ra là các thành viên của đội dự án đó đang làm việc ở khắp các chi nhánh của công ty trên toàn thế giới.

 

Ngày nay, các công ty làm việc theo định hướng dự án. Mỗi thành viên được nhặt ra từ các bộ phận chức năng khác nhau để tạo ra một đội duy nhất. Các đội sau khi hoàn thành xong dự án thường chuyển lên một dự án khác cao hơn hoặc phân tán sang các dự án khác. Các tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng thu được trong suốt quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ lại không được chuyển đến các đội dự án phụ trách việc phát triển các phiên bản sau trong quá trình tiến hoá dịch vụ sản phẩm đó. Ngoài ra với cơ cấu tổ chức làm việc theo đội và dự án, các kỹ năng được phát triển trong quá trình hợp tác thưòng sẽ bị mất đi khi đội đó tan rã và các tri thức quy trình mà đội thu được sẽ không có điều kiện để sử dụng lại trong tương lai. Một hệ thống quản tri tri thức trong trường hợp này sẽ giúp công ty bạn nắm bắt được các tri thức dự án, cho phép bạn sử dụng lại nó trong tương lai.

 

Toàn cầu hoá tạo ra một sân chơi phẳng, cạnh tranh hơn bao giờ hết. 20 năm trước cả bạn và tôi không ai có thể nghĩ Ấn Độ lại có thể trở thành sân sau của Mĩ với hàng loạt các "call center" nằm rải rác khắp đất nước, cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là các khách hàng từ châu Âu và Mĩ. Ngày nay, Microsoft không nhất thiết phải động tay vào tất cả các giai đoạn tạo ra một phần mềm. Họ có thể chuyển phần việc gia công "ít chất xám" sang các nước khác với mức lương chỉ bằng ½ mức phải trả cho một lập trình viên tại Redmond. Cũng lúc đó, để sản xuất ra một chiếc máy tính xách tay, Dell có một tập hợp hơn 40 nhà cung cấp – là những công ty, xưởng, nhà máy trên toàn thế giới chuyên sản xuất linh kiện lắp ráp. Toàn cầu hoá những công thức bí truyền, chiến lược kinh doanh, các thiết kế... Đó là lý do vì sao chúng ta cần quản trị tri thức.

 

 

Bên cạnh toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi các nước đang dần dần dỡ bỏ các quy định, để thị trường tự điều chỉnh theo những quy luật vốn có của nó. Giả sử, bạn đang có lợi thế về giá so với đối thủ cạnh tranh bởi vì nhà cung cấp của bạn ở Hàn Quốc và chính phủ Hàn Quốc thì đã dỡ bỏ các hàng rào quy định khiến đầu vào của bạn rẻ hơn. Trong khi đó, tại Ấn Độ - nơi các hàng rào thuế quan vẫn còn tồn tại, đối thủ của bạn đang phải chật vật mua đầu vào với mức giá cao hơn. Đột nhiên, Ấn Độ quyết định dỡ bỏ tất cả các hàng rào thuế quan. Chuyển gì xảy ra tiếp? Cả bạn và đối thủ cạnh tranh giờ đều xuất phát từ cùng một điểm. Bạn mất đi mất lợi thế cạnh tranh. Thứ duy nhất bạn có thể làm là cắt giảm chi phí. Bạn bắt đầu loay hoay với việc cắt giảm biên chế, sa thải chỗ này một ít, đuổi việc chỗ kia một chút. Bạn quên mất một điều rằng khi bạn đẩy một ai đó ra khỏi công ty bạn cũng đẩy luôn nguồn tri thức ẩn mà anh ta mang trong đầu. Trong khi đó đối thủ của bạn lại lựa chọn một phương thức tiếp cận khác, xây dựng một hệ thống quản trị tri thức và các kỹ năng để tránh sáng tạo lại những gì đã có, đạt được mục tiêu cắt giảm chi phí đồng thời cả lợi thế cạnh tranh dài hạn.

 

Trong môi trường cạnh tranh như vậy, bạn không thể nói "Tôi có sản phẩm tốt? Vậy thì tại sao tôi lại cần quan tâm đến marketing cơ chứ?". Để phát triển một sản phẩm, dịch vụ mới đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo của nhiều lĩnh vực khác nhau từ marketing, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất đến tài chính....Khi có quá nhiều người từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau tham gia vào một dự án rất dễ gây ra sự hiểu lầm cũng như bất đồng ý kiến về lợi ích. Quản trị tri thức trả lời câu hỏi về tài sản tri thức, về quyền sở hữu, về niềm tin trước và sau khi công việc kết thúc

 

 

3. Quản trị tri thức tại các doanh nghiệp


Chúng ta cần lưu ý những yếu tố như sau:

 

Thứ nhất: Xây dựng tầm nhìn tri thức của doanh nghiệp. Lợi ích của việc xác định rõ tầm nhìn tri thức của doanh nghiệp thể hiện ở hai khía cạnh. Một mặt tầm nhìn tri thức của doanh nghiệp giúp các thành viên hiểu ý nghĩa của công việc của mình nhờ đó có động lực làm việc. Mặt khác, tầm nhìn tri thức của doanh nghiệp cũng chỉ ra hướng phát triển của doanh nghiệp, theo đó các cá nhân có thể xác định dễ dàng định hướng của hoạt động kiến tạo tri thức trong tương lai. Một tầm nhìn doanh nghiệp được xem là tốt nếu nó có tính gợi mở. Nói cách khác tầm nhìn không đóng khung cụ thể cho hoạt động của doanh nghiệp trong 2 năm, 5 năm hay 10 năm tới. Tầm nhìn chỉ phác thảo tương lai. Mỗi cá nhân dựa vào tầm nhìn của doanh nghiệp có thể “mơ mộng” hơn xưa, xây dựng tầm nhìn theo cách hiểu và ước vọng của bản thân mình.

 

Thứ hai: Xây dựng các nhóm đặc biệt kiến tạo tri thức. doanh nghiệp cần tuyển dụng nhóm giỏi và đa dạng bởi việc tạo tri thức xuất phát từ các cá nhân với các tri thức của họ. Nhóm kiến tạo tri thức phải đảm bảo được sự đa dạng cần thiết. Một cách để đạt tới điều đó là xây dựng các nhóm dự án tri thức dựa trên nguồn nhân lực thuộc các chức năng khác nhau với các kiến thức, nghiệp vụ khác nhau; tạo môi trường kích thích tương tác giữa các thành viên trong doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với thị trường.

 

Thứ ba: Xây dựng môi trường tương tác cao đảm bảo việc tương tác thường xuyên giữa các thành viên trong doanh nghiệp nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và tri thức. Đặc biêt lưu ý môi trường tương tác giữa các thành viên thuộc nhóm kiến tạo tri thức.

 

Thứ tư: Tập trung vào tạo sản phẩm mới. Có ba nguyên tắc doanh nghiệp cần tuân thủ trong việc tạo sản phẩm, dịch vụ mới:

 

- Doanh nghiệp duy trì phương pháp tiếp cận linh hoạt, thích ứng trong việc kiến tạo sản phẩm mới;

 

- Doanh nghiệp đảm bảo quyền tự chủ của nhóm kiến tạo tri thức liên quan đến sản phẩm mới và tạo “sóng” (fluctuations and creative chaos) để kích thích sự vận động không ngừng của nhóm;

 

- Doanh nghiệp khuyến khích sự tham gia của những người bình thường (không phải chuyên gia) trong việc sáng tạo sản phẩm mới để khai thác mọi tiềm năng tri thức.

 

Thứ năm: Áp dụng cách quản trị lấy nhà quản trị cấp trung làm trung tâm (middle-up-down management). Trong doanh nghiệp, trong khi nhà quản trị cấp cao thường nghĩ tới tầm nhìn và mơ ước vươn tới của doanh nghiệp thì nhân viên làm trực tiếp lại có cái nhìn thực tế và do vậy không thể đồng thuận và tiếp nhận các quyết định của các nhà quản trị cấp cao một cách dễ dàng. Trong trường hợp ấy, nhà quản trị cấp trung sẽ làm cầu nối giữa hai nhóm này, giữa ước mơ và hiện thực. Quan điểm này khác với quan điểm phương Tây coi các nhà quản trị cấp trung là dư thừa và “mầm bệnh” của doanh nghiệp.

 

Thứ sáu: Doanh nghiệp cần kiến trúc lại theo cấu trúc doanh nghiệp mới, kết hợp giữa chức năng và các nhiệm vụ đặc biệt (hypertext organization). Ưu điểm của cấu trúc doanh nghiệp dạng này là mỗi cá nhân sẽ chỉ thực hiện một nhiệm vụ chính tại một thời điểm để đảm bảo công việc hoàn thành tốt, nhưng cùng lúc ấy anh ta có thể tương tác với các chức năng nghiệp vụ khác, vì vậy kiến thức được mở rộng, tạo điều kiện kiến tạo tri thức mới.

 

Thứ bảy: Doanh nghiệp cần chú ý xây dựng mạng lưới giữa doanh nghiệp và môi trường bên ngoài bao gồm khách hàng, nhà cung cấp, đối tác… Mạng lưới phải được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu, kích thích các chủ thể của môi trường bên ngoài bộc lộ tri thức tiềm ẩn của họ. Đó là nguồn tài nguyên vô tận mà doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp và đạt được mục tiêu của mình.

 

Xin cảm ơn!


 

Nội dung bài viết được tham khảo từ Wikipedia, Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Quản Lý Và Phát Triển Năng Lực Tổ Chức